top of page
68985570_2583441608375423_35385622831709

ACDEMY 2022: PANEL DISCUSSION - NẮM XU THẾ, BẮT TƯƠNG LAI

Tối thứ Hai, ngày 27/12/2021 vừa qua, buổi Panel Discussion - hoạt động đầu tiên thuộc giai đoạn Foundation của Chuỗi Đào Tạo Kỹ Năng Ứng Tuyển ACdemy 2022 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Với sự góp mặt của 5 anh chị diễn giả dày dặn kinh nghiệm đến từ 5 doanh nghiệp đại diện cho 5 ngành, hơn 150 bạn sinh viên theo dõi buổi livestream đã có cái nhìn tổng quan về bức tranh thị trường tuyển dụng ở Việt Nam, tháo gỡ nút thắt về hành trang kỹ năng và tư duy cho từng ngành nghề trong kỷ nguyên V.U.C.A.


Nội dung của buổi Panel Discussion được chia làm 4 phần chính:

- Xu hướng thị trường và những thay đổi của doanh nghiệp trong bối cảnh thời đại mới;

- Người trẻ đã thích nghi và chuẩn bị như thế nào cho thị trường đầy biến động;

- Chân dung ứng viên tiềm năng trong tương lai;

- Q&A.


PHẦN 1: XU HƯỚNG THỊ TRƯỜNG VÀ NHỮNG THAY ĐỔI CỦA DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH THỜI ĐẠI MỚI


Các anh chị diễn giả khẳng định đại dịch đã gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Đứng trước tình huống đó, các doanh nghiệp đã có những bước chuyển mình về nhiều mặt. Mùa Covid-19 cũng mang đến cho họ cơ hội tối ưu hóa, linh hoạt trong quy trình vận hành và mô hình kinh doanh, đồng thời tìm kiếm, mở rộng các cơ hội kinh doanh khác trên thị trường.

Khi đề cập đến những thay đổi gần đây của FrieslandCampina Vietnam, chị Diệu Ái nói rằng công ty chú trọng vào việc chăm lo cho đội ngũ nhân sự nhiều hơn, đảm bảo nhân viên có một tinh thần thoải mái nhất để cùng đồng hành với doanh nghiệp.

Dưới góc nhìn của một người làm trong ngành Human Resources, anh Hữu Chung có chia sẻ: Đại dịch Covid đã tạo nên những thay đổi mang tính nền móng cho các công ty trong tương lai như: mô hình làm việc trở nên đơn giản, hiệu quả hơn; sức khỏe tinh thần của nhân viên trở thành một yếu tố trong việc xây dựng môi trường làm việc lý tưởng và các doanh nghiệp yêu cầu nhiều hơn ở ứng viên về Digital Literacy. Đây là một số điều mà các sinh viên nên biết trước khi đi xin việc.”


Phần một của sự kiện đã hé mở những thách thức và thay đổi của doanh nghiệp giai đoạn trong và sau đại dịch. Những biến chuyển trên làm không ít các ứng viên băn khoăn về thị trường tuyển dụng hiện nay. Điều này đã được các diễn giả giải đáp ở những phần tiếp theo của sự kiện.


PHẦN 2: NGƯỜI TRẺ ĐÃ THÍCH NGHI VÀ CHUẨN BỊ NHƯ THẾ NÀO CHO THỊ TRƯỜNG ĐẦY BIẾN ĐỘNG?


Qua phần 2, các diễn giả cùng lắng nghe đoạn audio phỏng vấn hai bạn sinh viên năm 3, sau đó đưa ra lời khuyên cho hai bạn để thích nghi với xu thế tuyển dụng trong kỷ nguyên đầy biến động như hiện nay.


Các bạn sinh viên có chia sẻ rằng thời kỳ dịch bệnh giúp họ có thời gian tìm hiểu bản thân, đồng thời trau dồi kiến thức và kỹ năng ở các ngành mình yêu thích. Một bạn cũng nhấn mạnh rằng khi thấu hiểu bản thân và thị trường tuyển dụng thì việc định hướng nghề nghiệp tương lai trở nên rõ ràng và chắc chắn hơn.

Theo anh Chung sau khi theo dõi đoạn audio thì ngành nào cũng đều có những core skills nhất định và khó thay đổi qua thời gian. Ngoài những core skills đó, có 2 kỹ năng khác mà các doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm ở ứng viên trong thời đại mới: Agility (sự linh hoạt, bền bỉ và khả năng sẵn sàng thay đổi) và Digital Literacy (quan trọng trong kỹ năng này là khả năng đơn giản hóa và kỹ thuật số hóa công việc). Chị Tuyết Phan cũng bổ sung là các bạn sinh viên từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cần cải thiện một số kỹ năng như giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, đặc biệt là viết email và học ngoại ngữ.


PHẦN 3: CHÂN DUNG ỨNG VIÊN TIỀM NĂNG TRONG TƯƠNG LAI


Đến với phần 3 của Panel Discussion, các bạn sinh viên được nghe những chia sẻ về các kỹ năng quan trọng dưới góc nhìn của từng ngành, từ đó xây dựng kế hoạch học hỏi và rèn luyện phù hợp.


Các diễn giả đều cho rằng khó để nói kỹ năng nào có vai trò vượt trội hơn hết và việc nắm bắt được các kỹ năng ấy hỗ trợ rất nhiều trong công việc chuyên môn và công việc chung với các bộ phận khác.

Đối với ngành Supply Chain Management, chị Mai Anh nhấn mạnh kỹ năng giải quyết vấn đề rất quan trọng đối với nhân sự thuộc lĩnh vực này. Họ phải làm việc với nhiều bộ phận liên quan trong doanh nghiệp, nên việc tìm hiểu và học hỏi các phương pháp rèn luyện kỹ năng này là điều cần thiết. Bên cạnh đó, người làm Supply Chain cần phải chú ý đến Grow Mindset - chủ động trong mọi việc và có tư duy mở để hoạt động nhóm hiệu quả hơn, mang lại kết quả tốt hơn.


Chị Diệu Ái chia sẻ rằng ngoài các kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ thông thường, người làm Finance cần có kỹ năng Communication và khả năng Forecast (dự đoán số liệu). Về Digital Literacy, đây là một kỹ năng cần thiết ở bất kỳ ngành nghề nào, vì thích nghi với các nền tảng kỹ thuật số mới có hiệu quả là điều tất yếu trong xã hội hiện nay.

Về ngành Marketing, Communication và Business Sense là hai kỹ năng mà chị Anh Nguyên đã nhấn mạnh. Communication không chỉ mang ý nghĩa trong việc trao đổi với bộ phận khác mà cần trau dồi khả năng Storytelling để thuyết phục các phòng ban còn lại về dự án của mình và thu hút khách hàng đến với câu chuyện của thương hiệu. Bên cạnh đó, để có thể làm Marketing tốt, họ phải có óc phân tích sắc sảo, kết hợp với Storytelling để đưa ra chiến lược truyền thông sáng tạo.


Communication cũng là một kỹ năng không thể thiếu trong Sales vì bản chất Sales là đáp ứng và giải quyết nhu cầu của khách hàng - chị Tuyết nhận định. Người trong ngành này cần phải giao tiếp thông qua lắng nghe và truyền đạt thông tin theo cả hình thức ngôn ngữ và phi ngôn ngữ để có thể thấu hiểu và nắm bắt được vấn đề của khách hàng. Để có thể mang lại hiệu quả cao trong giao tiếp, sự tự tin và tinh thần sẵn sàng đón nhận ý kiến để cải thiện vấn đề là hành trang cốt lõi của người làm Sales. Bên cạnh đó, giao tiếp với nhiều tệp khách hàng đòi hỏi họ cần hiểu rõ đối tượng và linh hoạt trong việc sử dụng phương pháp và công cụ giao tiếp phù hợp.


Chia sẻ về các kỹ năng cần thiết trong ngành Human Resources, anh Hữu Chung nhấn mạnh về bộ đôi Communication và Teamwork. Đối với kỹ năng giao tiếp, để hỗ trợ các phòng ban khác giải quyết vấn đề nhân lực, người làm ngành này cần thấu hiểu chính mình và đối phương để cùng hướng đến mục tiêu và lợi ích chung của doanh nghiệp. Một bài học mới mẻ cho người muốn theo đuổi ngành Human Resources và các lĩnh vực khác ở môi trường doanh nghiệp chính là cần trao đổi trước khi tham gia thảo luận trong cuộc họp. Việc đưa ra các ý tưởng hoàn toàn mới mà chưa trao đổi trước với người tham dự sẽ mang lại bất lợi cho việc truyền đạt của chúng ta.


Trước khi kết thúc phần Panel Discussion, các anh chị chia sẻ về thị trường việc làm và thông tin tuyển dụng cho từng ngành của các doanh nghiệp. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao thái độ, sự tự tin, sự linh hoạt và những kỹ năng mềm của sinh viên hơn là kiến thức chuyên môn về ngành nghề mà các bạn lựa chọn.


PHẦN 4: Q&A


📍Câu hỏi đầu tiên: “Do dịch Covid-19, ngày càng nhiều du học sinh về nước và đi intern đã tạo nên cạnh tranh và sức ép đối với sinh viên trong nước. Với những lợi thế của du học sinh, sinh viên trong nước cần làm gì để có thể cạnh tranh tốt trên thị trường tuyển dụng?”.

Anh Hữu Chung cho lời khuyên: “Tình hình Covid khiến cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn, tuy nhiên, sinh viên không cần quá lo lắng về mức độ cạnh tranh. Càng về sau, lợi ích tuyển dụng càng nằm trong tay của sinh viên hơn ở nhà tuyển dụng với nguồn cung việc làm chuyển biến tích cực. Sinh viên nên biết rõ khả năng, mục tiêu và hồ sơ cá nhân của bản thân để có thể nắm bắt được nhiều cơ hội triển vọng, không kể nền tảng học vấn.

Chị Mai Anh cũng đồng quan điểm: “Cơ hội việc làm nằm ở khả năng của ứng viên, vì vậy, ứng viên nên chịu khó tập trung phát triển chuyên môn, trình độ Tiếng Anh và kỹ năng mềm để có lợi thế cao hơn trong các cuộc thi tuyển nhân lực vào doanh nghiệp.”


📍Tiếp đến câu hỏi: “Anh chị có thể đánh giá mức độ quan trọng của Generalist Profile so với Specialist Profile ở thời điểm hiện tại không? Ngoài chuyên môn của mình, em có cần phải có kiến thức chung chung về các chuyên ngành khác không? Làm sao em có thể phát triển khả năng này?”

Chị Tuyết cho lời giải đáp: “Trước tiên, chúng ta nên có định hướng riêng về ngành nghề cho bản thân, và biết sắp xếp thứ tự ưu tiên để học hỏi thêm các kiến thức tổng quát của các lĩnh vực khác. Có được hiểu biết chung về các ngành khác sẽ giúp chúng ta trao đổi, giao tiếp với các phòng ban khác tốt hơn hay thích nghi dễ dàng hơn khi công ty tái cơ cấu.”

Chị Diệu Ái cho thêm lời khuyên: “Chúng ta nên tập trung đầu tư vào chuyên môn, kỹ năng liên quan đến lĩnh vực của mình, bên cạnh đó, biết chung chung các ngành khác giúp chúng ta làm việc nhóm, hỗ trợ có hiệu quả hơn với các phòng ban khác.”


________________

AC chân thành cảm ơn các bạn đã theo dõi buổi Panel Discussion - Hoạt động mở màn cho Chuỗi Đào Tạo Kỹ Năng Ứng Tuyển - ACdemy 2022. Chúng tôi hy vọng rằng sau buổi này các bạn đã được mở rộng góc nhìn về xu hướng tuyển dụng trong thời đại mới và có kế hoạch xây dựng lộ trình củng cố chuyên môn cùng kỹ năng mềm để nắm bắt được cơ hội việc làm trong tương lai.


Đăng ký tham gia ACdemy 2022 ngay tại kynangdoanhnhan.com/acdemy để có được sự chuẩn bị bền vững cho hành trang ứng tuyển trong thời đại mới bạn nhé!

AC tự hào vì bạn!



Thẻ:

Comments


Categories
Related Posts
bottom of page