Vào ngày Chủ Nhật 3/3/2019, chương trình “Career Path Counseling: Tiếp Điểm” đã diễn ra vô cùng thành công với sự tham gia của gần 200 bạn sinh viên đến từ các trường Đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Dưới sự hỗ trợ và dẫn dắt của các anh chị đến từ những doanh nghiệp lớn, các bạn sinh viên đã có cơ hội hiểu rõ hơn về bản thân và định hình rõ ràng hơn phần nào về những dự định tương lai của mình.
Chương trình bắt đầu vào lúc 13h30’ gồm hai phần chính:
🔻 Chia sẻ bộ tiêu chí đánh giá ứng viên KHC – Key Hiring Criteria;
🔻 Hoạt động Networking với doanh nghiệp và Counseling.
PHẦN 1: CHIA SẺ BỘ TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ ỨNG VIÊN KHC – KEY HIRING CRITERIA
Phần đầu tiên của chương trình được diễn ra dưới sự dẫn dắt của chị Nguyễn Thị Bích Thủy, hiện đang giữ vị trí Manager, PERM and Consulting Services tại MANPOWERGROUP VIETNAM.
Mở đầu buổi chia sẻ, chị đã cho các bạn sinh viên thấy được những thông tin sơ lược về thị trường lao động ở Việt Nam: “Thị trường lao động Việt Nam đang thay đổi rất nhiều, chính vì những sự thay đổi như vậy nên tiêu chí tuyển dụng cũng thay đổi. Và khi tiêu chí tuyển dụng thay đổi thì kỹ năng và tất cả mọi thứ rồi cũng sẽ thay đổi.”
Như vậy, với những thay đổi như thế, sinh viên cần phải biết mình đang ở đâu, có những kiến thức, kỹ năng nào cần và đủ để có thể tìm được một công việc phù hợp. Sau đó, chị cũng đã giới thiệu đến các bạn sinh viên về bộ tiêu chí đánh giá KHC, một công cụ để các bạn có thể tự đánh giá, củng cố, định hướng công việc của mình.
Chị Thủy chia sẻ về bộ tiêu chí đánh giá ứng viên KHC
Về bộ tiêu chí đánh giá, dưới góc độ nhà tuyển dụng khi yêu cầu vị trí nào đó, dù là vị trí lớn hay nhỏ thì có 3 yếu tố chính thường dùng để đánh giá ứng viên phù hợp hay không:
🔻 Job Fit: Bạn có thật sự phù hợp với công việc đó hay không?
🔻 Culture Fit: Con người bạn có phù hợp với văn hóa doanh nghiệp?
🔻 Motivation: Động lực của bạn là gì cho công việc đó?
JOB FIT:
Đối với việc đánh giá ứng viên có phù hợp với công việc hay không thì có 2 tiêu chí chính đó là:
Technical skills (kỹ năng chuyên ngành): bao gồm những kiến thức chuyên ngành, kỹ năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực đó. Bên cạnh kiến thức thì kỹ năng và kinh nghiệm là 2 yếu tố mà sinh viên có thể trau dồi và phát triển thông qua đi làm hoặc thực tập.
Soft skills (kỹ năng mềm): Đây là yếu tố cốt lõi và quan trọng nhất trong việc đánh giá ứng viên có phù hợp với công việc hay không. Một trong những sai lầm mà ứng viên thường mắc phải là cho rằng kỹ năng mềm là thứ mà mình đã được học và rèn luyện rất nhiều rồi, nhưng thật ra những kỹ năng đó còn rất nhiều mức độ để các ứng viên rèn luyện và phát triển.
Chẳng hạn, đối với Communication Skill (kỹ năng giao tiếp), ở mức độ cơ bản là có thể giao tiếp và nói chuyện lưu loát, dễ hiểu. Ở mức độ cao hơn là khả năng giao tiếp khéo léo hơn, truyền tải được thông tin cho người nghe. Và mức độ cao hơn nữa là có thể ảnh hưởng đến thính giả, phân tích cho họ hiểu mục đích cuối cùng của cuộc đối thoại nhằm làm đạt được hiệu quả giao tiếp tốt nhất.
Bên cạnh những kỹ năng cơ bản, chị Thủy còn giới thiệu đến các bạn sinh viên những kỹ năng khác mà nhiều sinh viên còn thiếu khi tham gia ứng tuyển: Adaptability (Kỹ năng thích ứng), Emotional Intelligence (Trí tuệ cảm xúc), Self Development (Phát triển bản thân),…
CULTURE FIT
Dựa vào các tiêu chí của Job Fit, có thể cho sinh viên biết bản thân mình có phù hợp với công việc hay không. Tuy nhiên, việc lựa chọn ứng viên của doanh nghiệp còn phụ thuộc vào yếu tố về tính cách và con người của bạn.
Chính vì thế, các bạn sinh viên cần phải hiểu rõ về tính cách, sở thích, hoạt động,… để có thể xác định được bản thân mình yêu thích văn hóa như thế nào. Việc không xác định được văn hóa mà bạn thật sự phù hợp sẽ khiến cho các cơ hội nghề nghiệp trôi đi vô ích.
Ngoài ra, chị còn khuyên các bạn sinh viên nên dấn thân vào môi trường việc làm để củng cố bản thân ở hiện tại và xác định bản thân thật sự phù hợp với văn hóa hay môi trường làm việc như thế nào.
“Hiện tại chỉ là hiện tại, đánh giá củng cố lại tất cả mọi thứ cho thời điểm hiện tại, tuy nhiên cần phải ra thị trường mới biết được và định hướng được con đường lâu dài của mình.”
“Cứ làm thôi, còn sai đến đâu thì sửa đến đó. tuy nhiên, làm gì thì làm nhưng mà phải có định hướng chắc chắn con đường mình đã.”
MOTIVATION
Chị Thủy chia sẻ rằng, đâu đó trong thời điểm hiện tại, các bạn sinh viên đã định hình được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, các bạn cần phải hiểu rõ bản thân, biết được mình là ai, đâu là những điểm mạnh, thiếu sót của bản thân, từ đó tìm cho mình lý do, động lực và định hướng cụ thể để tiến tới ngành nghề, doanh nghiệp đã chọn.
Nhận thấy các bạn sinh viên đã có những định hướng sơ bộ cho con đường nghề nghiệp tương lai, có những kiến thức, kỹ năng, chị Thủy cũng đồng thời chia cách để tìm kiếm việc làm trong thời điểm hiện tại.
Kết thúc phần chia sẻ mô hình KHC là phần hướng dẫn các bạn sinh viên tự điền vào bản đánh giá để tự kiểm định bản thân mình.
PHẦN 2: NETWORKING VÀ COUNSELING
Hoạt động Networking được diễn ra với sự tham gia của các doanh nghiệp như ManpowerGroup Việt Nam, INSEE Việt Nam, Vietcredit, Japan Tobacco International (JTI) đã mang đến cho các bạn sinh viên những hiểu biết thêm về ngành nghề cũng như là văn hóa của các doanh nghiệp.
Counsellor tư vấn rõ về lộ trình phát triển cho sinh viên
Ngoài ra, các anh chị Counsellors trong hoạt động counselling cũng đã giúp các bạn sinh viên hiểu và rõ hơn về định hướng hơn trên lộ trình phát triển tương lai của mình.
_______________________________
Chân thành cảm ơn tất cả các bạn đã dành thời gian đến lắng nghe và tham dự chương trình “Career Path Counseling: Tiếp Điểm”. Hi vọng rằng sau chương trình, các bạn đã tìm cho mình được một “điểm chạm” thật hoàn hảo để có những định hướng phù hợp cho con đường sự nghiệp tương lai.
Cảm ơn vì đã đồng hành. AC tự hào vì bạn!
Comments