“Sáng tạo” là nguồn gốc của những phát minh vĩ đại và cả những cải tiến nhỏ nhặt hữu ích trong cuộc sống. Nhiều người cho rằng: “Sáng tạo là khả năng thiên bẩm và chỉ những người có sẵn tố chất mới sáng tạo được”. Trái lại, thực tế cho thấy sáng tạo có thể rèn luyện được. Bạn đã thử những phương pháp này chưa, hãy cùng AC khám phá nhé!
Xác định vấn đề và suy nghĩ
Óc sáng tạo thường được hình thành từ sự kích thích trong nhận thức. Khi bạn gặp một vấn đề nan giải, phức tạp hoặc hấp dẫn, hãy đọc thành tiếng một cách rõ ràng và súc tích để não bộ được kích thích. Một cách khác để kích thích nhận thức tốt hơn là liệt kê ra những lời giải mà bạn nghĩ ra trong thoáng chốc, dù cho nó có ngớ ngẩn như thế nào. Việc này giống như bạn đang cố gắng khởi động động cơ hơn là giải quyết vấn đề. Khi bộ não đã được khởi động, việc phát triển các suy nghĩ thô sơ lên một mức cao hơn hoặc thậm chí suy nghĩ giải pháp hoàn toàn mới sẽ trở nên dễ dàng.
Cho phép bản thân được tò mò
Steve Jobs cho rằng “Óc sáng tạo là để xâu chuỗi mọi thứ lại với nhau”. Nếu bạn muốn sáng tạo hơn, bạn cần có nhiều chất liệu hơn để xâu chuỗi chúng lại. Cách tốt nhất để tạo một nguồn nguyên liệu dồi dào chính là phát huy trí tò mò của bạn. Nếu bạn có hứng thú với điều gì đó, hãy dành thời gian để tìm hiểu chúng hoặc làm những việc không cần mục đích rõ ràng, chỉ đơn giản là bạn thích. Đó có thể là những bài báo hay buổi hội thảo khiến bạn tò mò, hoặc một cuốn sách mà bạn không thể giải thích hay một người mà bạn được giới thiệu. Chúng ta thường bỏ qua những cơ hội khám phá giữa cuộc sống bận rộn, nhưng sẽ không thể trau dồi óc sáng tạo nếu không tích cực tìm hiểu những điều mới mẻ. Những chất liệu đơn giản như mảnh ghép lego hay đồ chơi tự làm cũng có thể là điểm khởi đầu cho một ý tưởng độc đáo.
Làm những việc không phải sở thích
Thử thách bản thân mình bằng các công việc khó nhằn là một cách để tìm kiếm những ý tưởng mới. Mỗi công việc sẽ đòi hỏi những cách tiếp cận khác nhau. Việc đặt bản thân vào những tình thế buộc phải học hỏi những bài học mới sẽ giúp bạn tăng vốn hiểu biết của mình. Đôi khi tiếp cận những công việc đơn giản với phương pháp mới cũng có thể giúp bạn có được góc nhìn sâu sắc về cuộc sống.
Tham gia những cuộc trò chuyện mới
Một cách để kích thích sự sáng tạo hiệu quả là thường xuyên tham gia vào các cuộc hội thoại với những người mà bạn ít tiếp xúc. Chúng ta thường quanh quẩn trong các mối quan hệ xã hội thân thiết của mình và ngại bước ra khỏi vòng an toàn đó, đơn giản vì nó giúp ta được ở gần với những người cùng tư tưởng và hướng giải quyết vấn đề. Hãy thử trò chuyện với những người bạn mới, họ sẽ mang đến cho bạn những góc nhìn rất khác về cuộc sống, rất có thể đó sẽ là những ý tưởng độc đáo. Ví dụ như bạn đang tìm kiếm ý tưởng giúp đường phố sạch sẽ hơn, hãy lắng nghe các cô chú nhân viên vệ sinh đường phố bởi họ là những người hiểu rõ vấn đề này hơn ai hết.
Dừng lại và làm việc đúng lúc
Khi bạn nảy sinh ra một ý tưởng, hãy lấy một cuốn sổ, một cây bút hoặc bất cứ phương tiện ghi chép nào để viết ra ý tưởng đó. Dành cho mình một khoảng thời gian không bị làm phiền để “đắm chìm” vào dòng suy nghĩ của bản thân và đi theo dòng chảy này. Mỗi ý tưởng là một “mầm cây” cần được đầu tư. Không phải ý tưởng nào cũng sẽ thành công nhưng nếu bạn thường xuyên dành sự quan tâm cho những mầm non này, bạn sẽ thu được nhiều kết quả tốt. Điều quan trọng ở đây chính là nắm bắt được những thời điểm bạn cảm thấy đam mê nhất với ý tưởng của mình.
KẾT
Sáng tạo là công cụ giúp bạn chinh phục những cột mốc mới trong cuộc sống. Thế nhưng óc sáng tạo cần phải được rèn luyện thường xuyên và tăng cường trải nghiệm. Hãy áp dụng những mẹo nhỏ trên hằng ngày để tự xây dựng cho mình những ý tưởng sáng tạo và đột phá bạn nhé!
Comentários