Đã bao giờ bạn đặt ra những cam kết và kế hoạch phải thực hiện nhưng chúng vẫn nằm mãi trên danh sách “việc phải hoàn thành”? Đã bao giờ bạn dồn công việc tới phút chót mới làm vì nghĩ rằng sẽ hiệu quả hơn dưới áp lực lớn? Sự trì hoãn khiến chúng ta thường xuyên lẩm bẩm câu “để mai rồi tính” và kết quả là chẳng có nhiệm vụ nào được giải quyết cả. Hãy cùng AC loại bỏ thói quen đầy nguy hại này nhé!
TẠI SAO CHÚNG TA TRÌ HOÃN CÔNG VIỆC
Trì hoãn là tình trạng chung của rất nhiều người. Một cuộc phỏng vấn chỉ ra rằng 95% những người đang đi làm thừa nhận họ có thói quen trì hoãn công việc của mình. Tuy nhiên, trì hoãn thực tế chỉ là các hành động được sinh ra bởi các tác nhân gây kích thích. Tim Pychyl, tác giả cuốn sách “Solving the Procrastination Puzzle”, thông qua một nghiên cứu đã xác định 5 tác nhân kích thích chủ yếu khiến chúng ta trì hoãn công việc:
Công việc buồn tẻ
Công việc quá khó khăn
Công việc mơ hồ khiến bạn không biết bắt đầu từ đâu
Phần thưởng cho công việc không đủ với bạn
Công việc không có ý nghĩa cá nhân với bạn
Xét về lý tính, chúng ta đều biết rằng việc trì hoãn hoàn toàn là một thói quen tệ hại cần phải chấm dứt. Thế nhưng nơi kiểm soát các cảm xúc trong não bộ lại thường dành chiến thắng. Để từ bỏ thói quen trên, bạn cần phải tăng khả năng của phần não kiểm soát sự logic và dưới đây là 5 cách tốt nhất:
1. GIẢM THIỂU CÁC TÁC NHÂN GÂY TRÌ HOÃN
Hãy nhìn lại 5 tác nhân gây kích thích ở trên và đối chiếu với công việc của bạn. Những tác nhân đó thường được não bộ cảm nhận một cách vô hình, vì vậy, khi đã xác định được các tác nhân đó bạn đã thành công được một nửa. Bước tiếp theo bạn hãy thử giảm thiểu cường độ của các yếu tố đó.
Nếu một công việc quá khó khăn, bạn có thể chia nó thành các “phần” nhỏ hơn để làm dần. Hay đối với một công việc mơ hồ, hãy tìm kiếm những người có kinh nghiệm để lắng nghe chỉ dẫn và tự đúc kết cho mình phương pháp làm việc đó.
2. LÀM VIỆC TRONG KHOẢNG GIỚI HẠN
Khi công việc đã chạm vào khoảng kháng cự của các tác nhân kích thích, chúng ta sẽ trì hoãn nó. Nhưng thực sự thì mức giới hạn đó nằm ở đâu?
Lấy một ví dụ về việc nghiên cứu cho bài luận sắp tới của bạn: Rất nhiều sách vở, bài viết cần được đọc qua để lấy tư liệu và nhưng bạn thấy chúng quá nhiều để đọc. Hãy xem xét khoảng thời gian mà bạn có thể đọc tài liệu trong một buổi trước khi cảm thấy chán. Bạn có thể đọc liên tục trong 1 tiếng không? Có thể bạn chưa thể tập trung trong một khoảng thời gian lâu như vậy. Giảm xuống còn 45 phút thì sao nhỉ? Hãy thử điều chỉnh mục tiêu ngắn hạn của mình xuống những mức thấp hơn cho tới khi bạn cảm thấy mình có thể làm được. Phương pháp này cũng tương tự như việc bạn tập thể dục, cho phép cơ thể làm quen với cường độ thấp và dần nâng cường độ này lên các mức cao hơn.
3. HÃY LÀM BẤT CỨ VIỆC GÌ ĐỂ BẮT ĐẦU LUỒNG CÔNG VIỆC
Con người có xu hướng nhớ về những việc còn đang dang dở hơn những thứ đã được hoàn thành. Hãy tưởng tượng một bài hát rất bắt tai bị dừng ở đoạn điệp khúc, bạn sẽ rất khó chịu với điều đó. Luồng công việc cũng vậy, một khi bạn đã vượt qua được rào cản ban đầu mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Với mỗi một công việc hãy suy nghĩ điều đơn giản nhất mình có thể làm là gì và hãy làm nó để bắt đầu luồng công việc của mình nhé!
4. LIỆT KÊ NHỮNG HẬU QUẢ BẠN SẼ NHẬN NẾU TIẾP TỤC TRÌ HOÃN
Phương pháp này hoạt động tốt nhất với các công việc quan trọng. Thay vì lờ đi và tự nhủ lần sau sẽ thực hiện đúng deadline, bạn hãy dành thêm thời gian suy nghĩ về những hậu quả xấu có thể xảy ra nếu tiếp tục trì hoãn. Khi thường xuyên được nhắc tới các tác hại đó, bạn sẽ “thấm” hơn và có xu hướng tránh khỏi cảm giác tội lỗi bằng việc bắt tay vào làm việc nghiêm túc.
5. NGẮT KẾT NỐI VỚI NHỮNG THỨ GÂY XAO NHÃNG
Những thiết bị điện tử với hàng trăm thông báo hay tin nhắn từ bạn bè sẽ khiến bạn mất tập trung ngay cả khi đã bắt đầu luồng làm việc của mình. Não bộ có xu hướng thích giải quyết các công việc nhỏ nhặt này nhằm có được cảm giác “thỏa mãn” khi hoàn thành công việc. Hãy ngăn chặn những cám dỗ này bằng cách ngắt kết nối hoàn toàn với các thiết bị hoặc thậm chí người xung quanh trong khoảng thời gian bạn cần tập trung cao độ.
KẾT
Trì hoãn là giống như một viên thuốc giảm đau tạm thời, bạn sẽ cảm giác thoải mái lúc ban đầu nhưng sẽ rất có hại cho các dự định, mục tiêu trong tương lai của mình. Hãy dũng cảm loại bỏ thứ thuốc giảm đau này bằng các phương pháp trên để tiến gần hơn với mục tiêu của bạn nhé!
Comments