Trainers: - Anh Lê Tăng Gia Phú – Brand Manager của Biti’s Hunter;
- Chị Kiều Thiên Vân – Creative Planner Jr. tại Redder Advertising.
“Marketing không phải là điểm đến của chúng ta, một điểm đến sẽ chính là động lực để mỗi sáng thức dậy chúng ta có động lực để đi làm và cố gắng khi gặp phải những khó khăn thử thách” - Anh Gia Phú
Hành tinh Marketing vốn là một thế giới rộng lớn, đầy hấp dẫn đối với những nhà phi hành gia chúng ta. Nhưng chẳng ai có đủ thời gian để đi hết mọi con đường. Vì thế, mỗi marketer cần chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết và nắm bắt tấm bản đồ của thế giới này.
Do đó, Marth Tour XIV mang đến cho chúng ta một buổi sharing thân mật mang tên: MARKETING CAREER MAP với sự chia sẻ đến từ hai anh chị diễn giả vốn là những nhà du hành kinh nghiệm trong hành tinh Marketing này:
Anh Lê Tăng Gia Phú – hiện đang là Brand Manager của Biti’s Hunter;
Chị Kiều Thiên Vân – Creative Planner Jr. tại Redder Advertising.
Với mục đích chính của buổi sharing là một chia sẻ thân mật giữa anh chị - những người đi trước với các phi hành gia trẻ trên con đường nghề nghiệp, Anh Phú và chị Vân mở đầu buổi sharing bằng việc tìm hiểu về những mong muốn của các bạn về buổi sharing hôm nay và nhận được khá nhiều câu hỏi thú vị từ các bạn.
Với những kinh nghiệm của bản thân trong quá khứ, anh Phú hiểu được những thắc mắc của các bạn sinh viên ở thời điểm hiện tại, và câu hỏi đầu tiên anh anh Phú nghĩ là tất cả mọi người đều nên tự hỏi bản thân, đó là: Tại sao bạn đến với thế giới Marketing?
“Các bạn lựa chọn Marketing bởi vì các bạn thích Marketing. Nhưng có bạn nào có lý do nào khác ngoài câu chuyện: Em thích Marketing”
Chia sẻ của bản thân anh Phú về câu hỏi:
“Marketing không phải là điểm đến của chúng ta, một điểm đến sẽ chính là động lực để mỗi sáng thức dậy chúng ta có động lực để đi làm và cố gắng khi gặp phải những khó khăn thử thách. Đối với anh, anh cảm thấy xã hội Việt Nam này có rất nhiều những tiêu cực, anh ghét những thói hư tật xấu bên trong xã hội, nên anh muốn thay đổi nó, thay đổi thế giới. Đó là cái mục tiêu, kim chỉ nam để anh theo đuổi trong cuộc sống. Và khi anh bắt đầu tham gia một số cuộc thi, anh nhận ra Marketing có một cái sức mạnh để thay đổi từng con người, có thể là 1-2 người và từ đó có thể thay đổi một phần thế giới, hay cả thế giới mà ta đang sống. Đó là lý do anh quyết định rằng mình sẽ đi theo Marketing.”
Đối với chị Vân, lý do chị theo đuổi Marketing không xuất phát từ một sứ mệnh to lớn nào nhưng xuất phát từ những điều gần gũi, chân thực nhất đối với bản thân mỗi chúng ta:
“Đây là một nơi mà phù hợp với những điểm mạnh của bản thân mình, từ đó mình sẽ gặt hái được nhiều hơn những điều thành công khác. Nhưng rồi dần dần chị nhận ra được sức mạnh thay đổi thế giới của Marketing như anh Phú nói và chị càng yêu nó hơn.”
Câu hỏi thứ hai: Client và Agency là như thế nào? Chúng ta sẽ làm gì ở mỗi bên?
Tổng quan, Client chính là những người sở hữu những nhãn hàng, những thương hiệu, sản phẩm (ví dụ như Biti’s, Close up,…) mà mỗi khi bản thân có những challenge mà mình không thể tự giải quyết thì sẽ tìm đến Agency. Đối với Client, chúng ta phải yêu thương hiệu mà mình đang làm. Ngay từ đầu chúng ta nên chọn ra ngành hàng nào và thương hiệu nào mình thích làm, để mỗi ngày chúng ta có tìm được động lực để làm một công việc mà nó sẽ theo ta gần như cả đời.
Đối với Agency, họ không sở hữu những điều trên mà họ chính là người đưa ra những giải pháp cho challenge mà Client đang gặp phải (ví dụ như giải pháp về chiến lược, về truyền thông hay sang tạo,…). Agency nói theo một cách khác chính là những chuyên gia hiểu thật sâu về những lĩnh vực cụ thể (ví dụ như digital, research hay advertising,…). Ở Agency, ngoài việc yêu thích những công việc hằng ngày mình làm và thực sự có cảm giác yêu thích công việc mà mỗi ngày mình làm (creative hay planning,…) thì mình phải yêu luôn cả những thương hiệu để có thể làm thật tốt cho những thương hiệu mà mình hợp tác.
Anh Phú chia sẻ thêm:
Client sẽ chính là người thực hiện cả một process lớn để tìm ra những bài toán, thách thức. Người làm Marketing ở Client hiểu về những chiến lược kinh doanh tổng thể nhất đã được đưa ra, chuyển tải những chiến lược ở cấp độ cao, tổng thể thành cấp độ thấp hơn và thực hiện nó.
Một ví dụ cụ thể để chúng ta dễ hình dung:
Về Product, Marketing sẽ là người đưa ra Product concept. Nếu phải làm research, Client sẽ tìm đến Research Agency. Sau đó đến khâu Design, nếu Client “bí” ý tưởng thì họ có thể tìm đến Creative Agency. Sau khi có được một sản phẩm hoàn chỉnh, ta phải làm Communication để đưa sản phẩm ra thị trường. Ở khâu này, Client sẽ tìm đến một hay nhiều Agency để nhờ giúp đỡ vì họ là những người có đủ chuyên môn ở lĩnh vực đó để giúp. Tùy nhu cầu của công ty mà Client có tìm đến Agency để nhờ giúp hay không hay tự Marketing team của công ty có thể đảm nhận. Bên cạnh đó, Brand Team còn phải làm việc với những bộ phận chức năng khác trong công ty như R&D, Sale,…
Những kỹ năng mà một người làm ở Client cần trên quan điểm của anh Phú:
1. Business driven: phải trả lời được cho câu hỏi làm sao để tăng số, tăng doanh thu để phát triển công ty;
2. Process driven: phải là người nắm chắc nhất về process để cả hệ thống công ty support cho sản phẩm của mình khi đưa ra;
3. Strategic thinking: không những là câu chuyện mình chọn phương án này, mà còn là tại sao mình không chọn phương án kia;
4. Judging: bản thân Client là người làm việc với những Agency, và khi các bạn đưa ra những ý tưởng thì mình phải có khả năng đánh giá để tìm ra ý tưởng nào là tốt nhất để chọn;
5. Driving people: theo anh Phú đây là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng, nó chính là khả năng làm cả công ty tin tưởng và chấp nhận hỗ trợ cho mình phát triển, thực thi ý tưởng mà mình đưa ra một cách thành công;
6. Management: bản thân một Marketer trong Client phải đảm đương rất nhiều đầu công việc trong một lúc nên chúng ta phải quản lý thật tốt và hiệu quả. Đây cũng là một kỹ năng quan trọng mà chúng ta có thể luyện tập ngay từ bây giờ, bằng cách trở thành một leader của những chương trình CLB.
7. Briefing: truyền đạt một cách dễ hiểu và đầy đủ nhất một công việc cho người khác và truyền được cảm hứng cho họ. Do đó, bản thân mình phải biết chính xác mình muốn, mong đợi cái gì để người nhận brief (Agency, những bộ phận chức năng khác trong công ty) hiểu được một cách chính xác nhất để họ làm việc một cách hiệu quả nhất.
Ở agency, chị Vân chia sẻ dưới góc độ một Creative Planner vì nó sẽ đặc thù nhất cho công việc ở phía Agency, những kỹ năng mà chúng ta cần có là:
1. Understading: hiểu được khách hàng (Client) rằng họ là ai, họ đang muốn gì, họ gặp phải bài toán gì, hiểu được người tiêu dùng (Consumer) để từ đó tìm ra những Insight. Luyện tập kỹ năng này có thể bằng cách đọc hiểu, quan sát, cảm nhận từ chính những người xung quanh ta;
2. Creativity: đó là khả năng sáng tạo và nó hoàn toàn có thể học bằng cách xem, đọc, rè luyện, tập tành suy nghĩ ý tưởng cho những vấn đề trong CLB mà mình gặp.
3. Execution và Management: quản lý một ý tưởng, kế hoạch được thực hiện đúng hạn và thành công cực kỳ quan trọng bởi vì ý tưởng hay mà không thực thi ra hồn thì cũng chẳng làm được gì.
Câu hỏi thứ ba mà hai anh chị trả lời: Tính cách như thế nào thì hợp với Marketing?
Anh Phú với chị Vân đều nhất trí là đối với mọi tính cách, mọi người đều có thể phù hợp với công việc trong ngành Marketing, miễn là chúng ta thực sự MUỐN làm và chấp nhận cố gắng vì nó. Marketing có rất nhiều mảng nhỏ khách nhau và phù hợp với mọi loại tính cách trên đời.
Và câu hỏi thứ tư mà các bạn đặt ra: Một ngày làm việc đối với Client và Agency khác nhau như thế nào?
Đối với phía Client, mỗi ngày đi làm chúng ta sẽ phải đối mặt với một những số liệu, số sale chẳng hạn, phân tích những con số đó và mình sẽ nhận ra được những Insight từ đó xác định được mình sẽ làm gì tiếp theo cho thương hiệu. Đây cũng là một điểm khó của Client khi mình phải nhìn từ những con số và đưa ra được một chiến lược cụ thể. Và một người làm Client phải làm việc với nhiều Agency, phòng ban khác nhau với nhiều đầu việc khác nhau (Multitasking).
Ở Agency, mỗi ngày chị Vân dành 1-2 tiếng đồng hồ để đọc báo, tin tức trên facebook, hot fanpage, kênh 14,… xem chuyện gì đang xảy ra trên thế giới này, các bạn trẻ đang quan tâm đến vấn đề gì mà tự hỏi tại sao lại có tình trạng đó. Việc thấu hiểu người tiêu dùng tốn một nửa thời gian làm việc ở Agency. Tiếp theo là xem lại Brief xem Client đang gặp vấn đề gì, tại sao và kết nối nó với những gì của người tiêu dùng mà mình đã thấu hiểu. Bên cạnh đó, ở Agency ta luôn phải học hỏi những điều mới, xu hướng mới nhất trên thế giới để áp dụng, song song đó là quản lý mọi việc đúng deadline và thực thi kế hoạch một cách hiệu quả nhất. Sau thực thi là việc tất cả mọi người cùng nhau ngồi lại đánh giá những việc đã làm. Chia sẻ thêm, trung bình chị Vân có 2 ngày cho một cái brief mà khách hàng giao khi làm ở Agency.
Câu hỏi số 5: Chúng ta nên làm gì từ bây giờ? Làm Client trước hay Agency trước?
Đầu tiên ta phải xem lại mục tiêu của bản thân mình là gì và xác định rõ mình hợp Client hay Agency. Ở một điều kiện lý tưởng thì có một số người đã xác định được nhưng nếu vẫn chưa xác định được thì anh Phú khuyên mọi người cứ làm thử một bên (Agency hoặc Client), nếu cảm thấy không hợp ta phải chấp nhận hy sinh những kỹ năng, kinh nghiệm mà mình đã học và chấp nhận học những kỹ năng, tiếp thu kinh nghiệm mới ở phía còn lại. Không gì là không thể, miễn là chúng ta có đủ động lực và quyết tâm cố gắng.
Lời khuyên chị Vân và anh Phú dành cho mọi người là:
1. Luôn nhớ tại sao mình bắt đầu công việc với Marketing.
2. Luyện tập một mindset tích cực đối với thế giới Marketing vốn đã phức tạp này.
3. Đừng mặc định bản thân phải theo một tiêu chuẩn như thế nào để phù hợp với ngành, hay công ty. Stay true với bản thân mình.
4. Hãy thực hành những công việc, đi intern hay thi một cuộc thi về Marketing, hoặc thử học một khóa học Marketing để xem mình có phù hợp với điều gì. Bên cạnh đó, hãy lựa chọn công việc một cách có chiến lược phù hợp cho mục tiêu mà mình đề ra và hãy tập trung vào một thứ mà có tác động nhiều nhất đối với bản thân mình và cố gắng vì nó.
5. Khi chưa biết mình phải làm gì, đừng tốn quá nhiều thời gian để suy nghĩ, mà hãy chọn một và thử. Nếu đó là một sai lầm, thất bại thì ta sẽ học được bài học kinh nghiệm và việc này sẽ giúp ích rất nhiều cho bản thân. Just do it!
6. Rèn luyện từ bây giờ: rèn luyện sự thấu hiểu, hãy tò mò đối với cuộc sống xung quanh, luôn hỏi tại sao; trải nghiệm nhiều hơn: đọc sách, du lịch,… để cảm nhận được mọi người đang sống như thế nào; hãy học từ cái tốt và cả những cái chưa tốt chứ đừng bình phẩm. Luyện các kỹ năng như tư duy phản biện, tư duy đột phá để giải quyết vấn đề, và đặc biệt là common sense, sense of art,…
7. Hãy khiêm tốn, để tự bản thân mình còn thiếu sót và không ngừng học hỏi, từ đó mình sẽ dễ dàng nhận được sự ủng hộ của người khác. Hãy có networking với các anh chị đã đi làm, để có những lời khuyên cho bản thân mình
8. Hãy đánh giá, nhưng đánh giá dưới nhiều góc độ và với mục đích là học hỏi cho bản thân mình.
Ở phần cuối của buổi sharing, hai anh chị vui vẻ chia sẻ câu chuyện của bản thân mình khi đến với thế giới Marketing dưới sự lắng nghe hào hứng của các phi hành gia trẻ của chúng ta.
Hành trình đi trong thế giới Marketing rất đẹp, nên lời khuyên của anh Phú dành cho các nhà du hành trẻ của chúng là hãy “Enjoy the ride”.