top of page
68985570_2583441608375423_35385622831709

“Đế chế” hàng không giá rẻ Vietjet Air – Tầm nhìn xa của nữ CEO bản lĩnh

Giai đoạn 2010-2011 trở về trước, khái niệm di chuyển bằng đường hàng không còn rất xa lạ, và trong tiềm thức của mọi người thì “đi máy bay” là đặc thù riêng của những người giàu có. Quay trở lại hiện nay, ngành hàng không đã “bình dân” hơn, theo một thống kê cho thấy trong 6 năm trở lại đây, số lượt khách đi máy bay đã tăng gấp rưỡi, từ mức 14 triệu lượt năm 2010 lên 20,7 triệu lượt năm 2015. Số lượt luân chuyển cũng tăng tương ứng, từ mức 21,2 tỷ lượt/km lên 31,1 tỷ lượt/km. Câu chuyện máy bay giá rẻ cũng như sự thay đổi thói quen chọn lựa phương tiện di chuyển của người Việt đến từ tầm nhìn của người phụ nữ thông minh và quyền lực: bà Nguyễn Thị Phương Thảo.

CEO Vietjet Air - Nguyễn Thị Phương Thảo

Vốn đã quá nổi tiếng với vai trò CEO của Vietjet Air, ít ai chú ý rằng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã giàu có từ trước trong lĩnh vực bất động sản. Ý định tham gia vào ngành hàng không của bà Thảo bắt nguồn từ xu hướng hàng không giá rẻ LCC nở rộ ở châu Á cách đây hơn 10 năm, Mô hình LCC tạo ra những hãng hàng không được vận hành với chi phí thấp, sử dụng tàu bay nhỏ, khai thác nhiều đường bay ngắn chưa thịnh hành, và bán vé với giá cạnh tranh, dễ mua, dễ bay đã khiến cho việc đi lại bằng đường hàng không trở nên dễ dàng rất nhiều hơn trước. Các hãng LCC ra đời đúng thời điểm xu hướng thịnh hành của toàn cầu hóa với hàng loạt hiệp định thương mại song phương và đa phương quốc tế được ký kết, các bầu trời được mở ra cùng với cơ hội mở các đường bay khu vực và xuyên đại dương. Sự nhìn nhận của bà Thảo về nhu cầu của Việt Nam trong lĩnh vực vận chuyển cũng rất rõ nét và chính xác: “Tất cả đều là những mô hình vận chuyển hàng không đi theo hướng xã hội hóa rộng rãi, nó giúp cho việc đi bằng máy bay được đơn giản như xe buýt và taxi, thay vì quan niệm coi máy bay như cái gì đó rất xa xỉ. Thật ra máy bay cũng chỉ như bất kỳ loại hình vận chuyển nào khác. Nên mình muốn đem máy bay đến những nơi chưa phổ biến loại hình này.” – Bà Thảo chia sẻ.

Được mệnh danh là “Người thay đổi cuộc chơi ngành hàng không nội địa”, sự thành công của Vietjet Air đến từ chiến lược kinh doanh và điều hành vô cùng vượt trội của bà Nguyễn Thị Phương Thảo. Chỉ rất nhanh sau khi thành lập, bà Thảo đã bắt tay vào kế hoạch đẩy đà tăng trưởng của Vietjet Air, trong đó có việc mua máy bay với số lượng lớn. Đơn đặt hàng lớn đầu tiên mua 100 tàu bay Airbus trị giá 9,1 tỉ đô la Mỹ ký tại Singapore Airshow tháng 2.2014 khiến giới hàng không quốc tế tập trung sự chú ý vào hãng không rất trẻ hơn hai tuổi từ Việt Nam và bắt đầu coi Vietjet là tay chơi nghiêm túc trong một ngành không phải “dễ ăn”. Một yếu tố thành công khác chính là Vietjet nhanh chóng khai thác các đường bay nội địa, mở các đường bay mới ngoài các đường bay truyền thống giữa các thành phố lớn. Không chỉ đáp ứng nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không, Vietjet tạo ra nhu cầu di chuyển. Họ mở các đường bay giữa các thành phố nhỏ, như giữa Đà Nẵng và Cần Thơ, hay giữa Hải Phòng và Đà Lạt “tạo ra hành khách chứ không lấy hành khách của người khác”. Kết quả là cả doanh thu lẫn thị phần của Vietjet đều tăng trưởng vượt bậc, kể từ khi công ty thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011. Tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2012-2015 lên tới 151%/năm. Tính đến cuối năm 2012, thị phần Vietjet chỉ ở mức 8% còn Vietnam Airlines độc bá các đường bay nội địa, chiếm gần 70% thị phần. Tuy nhiên, liên tục các năm sau đó, Vietjet Air với chiến lược đúng hướng đã đều đặn tăng trưởng, thị phần đạt 37,1% vào năm 2015 trong khi Vietnam Airlines giảm xuống chỉ còn dưới 47%.

Định hướng cho Vietjet Air của bà Thảo trong tương lai cũng rất rõ ràng: “Vietjet mang định hướng một hãng hàng không quốc tế và toàn cầu chứ không phải là hãng thuần túy nội địa Việt Nam. Khi nhìn vào những con số và chỉ số về khai thác, như là độ tin cậy kỹ thuật, tỉ lệ chuyến bay đúng giờ, những chi phí liên quan đến giờ bay, chi phí liên quan đến một ghế cho hành khách... thì Vietjet thuộc nhóm đầu thế giới. Cho nên mình rất tự tin khi ra thế giới”. Hiện tại Vietjet đã mở công ty con, Vietjet Air Thái Lan với hai máy bay, nhưng các chuyên gia hàng không khu vực cho rằng họ chưa làm được gì nhiều ở thị trường này. “Thị trường quốc tế rất cạnh tranh và có rất nhiều hãng hàng không đang tranh giành nhau thị phần”. Đây là một thách thức lớn cho bà Thảo nói riêng và ban điều hành nói chung, song Bà Thảo tỏ ra hoàn toàn tự tin về khả năng phát triển trên thị trường quốc tế của Vietjet và đặt kỳ vọng trong tương lai Vietjet sẽ bay trong tầm bán kính thị trường của 50% dân số thế giới.

“Không có con đường nào dễ dàng để thành công cả. Tôi đã học hỏi và nghiên cứu rất nhiều. Tôi phải làm việc chăm chỉ và thành công chỉ đến khi bạn đặt hết niềm tin và đam mê vào điều mình theo đuổi”.

Phương Đông - Thúy Vi - Tâm Phương

Tham khảo: Cafebiz, Forbes Vietnam, Soha

Categories
Related Posts
bottom of page