Chúng ta thường thần tượng hóa những nhà lãnh đạo, ca ngợi thành công của bọn họ, nhưng đối với tôi, bài học thật sự nằm ở việc hiểu được lý do tại sao các doanh nghiệp và phương thức lãnh đạo của họ không gặt hái được thành công.
Để trở nên thành công, đầu tiên chúng ta phải học được cách tránh khỏi các hành vi tiêu cực - thứ mà ai rồi cũng phải đối mặt ở một giai đoạn nào đó trong sự nghiệp của mình.
Tôi xin phép chỉ rõ 6 lỗi lớn nhất những người ở vị trí lãnh đạo thường gặp. Những đặc điểm cơ bản này chính là thứ phân biệt những Nhà lãnh đạo thực thụ và những kẻ học đòi làm lãnh đạo.
Sợ thay đổi
Trước đây, mọi người hay có thói quen đến các cửa hiệu Blockbuster (một công ty chuyên cho thuê DVD và video games) để tìm thuê bất kỳ bộ phim nào họ thích. Blockbuster đã từng là một thương hiệu giải trí lớn nhất thời bấy giờ, thế nhưng họ nhanh chóng tuột dốc vì sự cứng đầu của mình khi từ chối mở dịch vụ online cho khách hàng.
Với bề dày kinh nghiệm nhiều thập kỷ trong việc nắm bắt xu hướng ngành công nghiệp giải trí, Blockbuster chắc chắn có thể trở thành một ông lớn trong thị trường online. Thế nhưng thay vào đó, họ lại không chấp nhận thay đổi, vẫn đi theo lối mòn cho đến khi mọi thứ đã quá muộn màng. Nền kinh tế thị trường hiện nay luôn trong trạng thái biến động, vì thế, thách thức lớn nhất đối với các nhà lãnh đạo và tổ chức của họ là phải luôn nhanh chóng xác định và phản ứng kịp thời với sự thay đổi liên tục của thị trường.
Thiếu tính minh bạch
Martin Winterkorn - cựu CEO của Volkswagen, trong nhiều năm liền đã đề nghị nhân viên của mình dẹp bỏ vấn đề đạo đức sang một bên trước khi vụ bê bối sai phạm của Volkswagen được đưa ra ánh sáng.
Hoạt động trong một môi trường không minh bạch làm cho nhân viên rất khó nắm bắt được tình hình thực sự của doanh nghiệp. Khi một nhà lãnh đạo mang tai tiếng thực hiện các thương vụ mờ ám, có nguy cơ rất cao nhân viên của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi các hành vi không trung thực.
Những nhà lãnh đạo tài ba luôn cố gắng để chiến lược doanh nghiệp đạt hiệu quả, cũng như sẵn sàng thừa nhận sự thật khi chiến lược của mình không còn đạt hiệu quả nữa. Sự thật, dù đôi lúc có thể gây tổn thương, trong hầu hết trường hợp chính là hồi chuông cảnh tỉnh thôi thúc mọi người giải quyết vấn đề đang hiện hữu.
Làm việc không ngừng nghỉ
Các CEO và các nhà khởi nghiệp thường nói rằng họ làm việc 24/7, không ngừng nghỉ, vì đó là cách duy nhất họ có thể theo dõi kịp tiến độ công việc, thỏa mãn đam mê và động viên nhân viên của mình. Tôi hiểu rất rõ chuyện này vì tôi đã từng như họ. Thế nhưng theo thời gian, tôi cay đắng nhận ra rằng nhanh hơn và nhiều hơn không đồng nghĩa với tốt hơn. Làm việc liên tục sẽ tăng khả năng phạm lỗi, vắt kiệt sức lực bản thân và nhân viên, thậm chí tạo ra một môi trường làm việc không lành mạnh trong công ty khi đặt ra quá nhiều áp lực.. Trừ khi bạn làm việc cho các dịch vụ khẩn cấp, thì bảo đảm rằng không ai muốn nhận email vào nửa đêm đâu.
Nhữnh nhà lãnh đạo hiệu quả luôn biết điểm dừng để nghỉ ngơi, đồng thời khuyến khích nhân viên mình cũng như vậy. Khi chậm lại, ta sẽ để ý kỹ đến các chi tiết, đưa ra nhiều câu hỏi và kết luận chất lượng hơn về quá trình làm việc, thành phẩm của mình.
Suy nghĩ tù túng
Có một cụm từ hay dùng để ám chỉ những người không có kiến thức: thiếu hiểu biết. Cụm từ mang hơi hướng tiêu cực, nếu ai đó bảo rằng bạn thiếu hiểu biết, bạn thường sẽ nhảy dựng lên để bảo vệ cái tôi của mình. Cái tôi là thứ quan trọng để tạo nên các nhà lãnh đạo tự tin, thế nhưng cái tôi quá cao sẽ là một điểm yếu chí mạng đối với bọn họ, vì nó sẽ làm cho họ có suy nghĩ tù túng.
Đôi khi sự thiếu hiểu biết lại chính là tiền đề quan trọng để đạt được những thứ lớn lao. Chúng ta có thể “thiếu hiểu biết” một cách khéo léo bằng cách thừa nhận rằng thế giới vô cùng phức tạp, việc thừa nhận này sẽ giúp ta làm quen hơn với mọi thứ xung quanh, cho ta một khuôn khổ để có thể mở rộng kiến thức nền tảng của mình trước khi tiến bước dài về phía trước, về thành công. Hoặc đôi khi, thiếu hiểu biết chỉ đơn thuần là thiếu hiểu biết, làm ta di chuyển một cách vô phương hướng, không có định hướng, mục tiêu rõ ràng.
Hành vi ngược đãi, lạm dụng
Bạn thường được nghe kể về những ông sếp thích sai khiến, thèm khát quyền lực, nhưng khó có ví dụ nào bạn được nghe qua có thể tệ hơn trường hợp của Bill Gross - đồng sáng lập công ty đầu tư Pacific Investment Management Co. (Pimco). Các nhân viên Pimco tố cáo Bill Gross đã “không tuân thủ quy chế ghi trong hợp đồng, hủy hoại sự nghiệp của cựu CEO Pimco và nhiều nhân viên biểu hiện sự không trung thành với ông ta, cũng như ngược đãi nhân viên của mình.”
Một nhà lãnh đạo giỏi phải biết cách gạt bỏ các suy nghĩ tiêu cực do người khác tạo ra cho họ. Những người xung quanh ta là nhân tố quyết định giữa thành công và thất bại, cũng quan trọng như việc ta phải kiểm soát được cảm xúc bản thân mình. Tự kiếm soát cảm xúc bản thân đồng nghĩa với việc ta có thể cảm thông với người khác. Và một người lãnh đạo sẽ không thể lắng nghe, động viên và định hướng nhân viên của mình nếu anh ta không thể cảm thông.
Không dám chấp nhận thất bại
Thành công chỉ đến sau nhiều lần thất bại. Chúng ta dù cẩn thận vẫn đến mấy vẫn sẽ có một lúc nào đó phạm lỗi, điều quan trọng rằng chúng ta phải học được bài học từ các lỗi lầm ấy. Nếu chúng ta cứ chìm đắm trong các thất bại, thì chúng sẽ nuốt chửng chúng ta.
Những nhà lãnh đạo thành công học được cách đứng lên sau nhiều lần thất bại liên tục. Milton Hershey - sáng lập Công ty Chocolate Hershey - đã thành lập 3 công ty sản xuất kẹo ngọt, và cả 3 đều thất bại trước khi ông thành lập Hershey Chocolate - một ông lớn của ngành hiện nay, sản phẩm xuất hiện ở hầu hết quốc gia trên thế giới.
Nguy cơ không nằm ở việc ta thất bại, mà là hành động của ta sau khi thất bại. Tại sao cứ chăm chăm nhìn vào thất bại trong quá khứ? Nếu một nhà lãnh đạo không thể có một hành động tích cực, động viên sau thất bại, họ có nguy cơ cao rơi vào vòng xoáy tiêu cực “Mình sẽ luôn thất bại”.
Hãy làm những thứ để khiến đầu óc bạn bận rộn, như bắt đầu một dự án mới chẳng hạn. Đừng ngồi một chỗ khóc lóc sau những thất bại, đó chính là bài học chính từ câu chuyện của Hershey Chocolate.